Bác sĩ chuyên khoa II Nhi – Phạm Mạnh Thân – PGĐ Bệnh viện An Việt khẳng định dị vật đường thở là tai nạn sinh hoạt nguy hiểm.
Dị vật đường thở là những vật có chất rắn hoặc lỏng, xâm nhập vào đường hô hấp ở vùng miệng, mũi, từ thanh quản đến phế quản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hóc dị vật đường thở.
Khi bị hóc dị vật đường thở, trẻ thường có biểu hiện của hội chứng xâm nhập (triệu chứng điển hình giúp gợi ý chẩn đoán dị vật đường thở):
- Trẻ đột nhiên ho sặc sụa, rũ rượi liên tục mặc dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.
- Sau đó, trẻ khó thở dữ dội, tím tái và rơi vào mất ý thức. Trẻ có thể chết ngạt nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Trẻ ngạt thở do dị vật bịt kín đường hô hấp hoặc có thể do phản xạ co thắt thanh quản.

Theo bác sĩ Phạm Mạnh Thân, khi trẻ bị hóc dị vật đường thở, phụ huynh cần phán đoán thật nhanh trẻ bị hóc cái gì. Với trẻ nhỏ, cần dốc ngược trẻ, dùng bàn tay ấn vào thượng vị thật nhanh, tạo áp lực trong ổ bụng, đẩy không khí trong phổi, tống dị vật ra ngoài. Còn trong trường hợp sơ cứu thất bại thì cố gắng hà hơi thổi ngạt, đưa trẻ đến cơ sở y tế có hệ thống nội soi để gắp.
"Để phòng ngừa trẻ hóc dị vật đường thở, người lớn không cho trẻ ăn khi đang khóc. Bởi khi khóc, nắp thanh quản mở, đồ ăn có thể lọt vào trong phổi. Bên cạnh đó, không cho trẻ tiếp xúc với những đồ vật nhỏ, có thể vừa miệng trẻ mà chỉ cho chơi những đồ chơi an toàn." - Bác sĩ Phạm Mạnh Thân khuyến cáo.
Mùa hè là thời điểm trẻ xả hơi, vui chơi sau một năm học vất vả. Tuy nhiên, giai đoạn này, ngoài việc hóc dị vật, trẻ còn dễ gặp những tai nạn thương tích khác và có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì thế các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh cần nâng cao cảnh giác và trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ để có một mùa hè vui khỏe, an toàn.